UBND THỊ XÃ KINH MÔN
THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS MINH TÂN
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 03 NĂM 2024
CUỐN SÁCH: NGƯỜI MẸ CẦM SÚNG
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Trong lòng mỗi chúng ta ai cũng có một người mẹ để tôn thờ, kể về người mẹ nào cũng là cả một huyền thoại. Nhưng có những người không phải riêng một ai mà là cả đất nước, cả một dân tộc đời đời suy tôn và cất gọi tiếng mẹ thiêng liêng. Đến với buổi giới thiệu sách hôm nay tôi xin giới thiệu đến thầy cô trong hội đồng sư phạm nhà trường một cuốn sách hay kể về một người mẹ huyền thoại. Chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng”.
![eBook Người Mẹ Cầm Súng - Nguyễn Thi full prc pdf epub azw3 [Tuyển Tập]](https://www.dtv-ebook.com/images/cover_1/nguoi-me-cam-sung-nguyen-thi.jpg)
“Người mẹ cầm súng” là tên một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi, do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2013. Với 91 trang sách nhà văn đã giúp chúng ta thấy được một hình tượng đẹp về người mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước: chị Nguyễn Thị Út hay còn gọi là Út Tịch.
Nếu có ai hỏi tôi “Đối với bạn, tác phẩm nào về người phụ nữ là hay nhất mà bạn đã từng đọc?” Có lẽ tôi sẽ chọn “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi – Một cuốn sách nhỏ bé nhưng đầy sức nặng về một người phụ nữ anh hùng, một người mẹ đảm đang, xốc vác, một tấm gương hào nữ sáng ngời của đất phương Nam.
“Người mẹ cầm súng” kể về cuộc đời và sự nghiệp chiến đấu của chị Út Tịch – nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ (1954-1975). Từ thuở nhỏ, chị đã có một “tuổi thơ dữ dội”: từng đi ở đợ nhà giàu, năm 12 tuổi đánh lại địa chủ vì không chịu nổi đối xử bất công. 14 tuổi xin gia nhập quân Giải Phóng để được cùng đánh Tây. Lớn lên chị lấy anh bộ đội Tịch, cùng thề rằng “Hễ theo giặc là thôi nhau luôn”. Vợ chồng anh chị đã có với nhau chín mặt con, tất cả đều sinh ra trong những năm tháng chiến đấu gian khổ. Tuy là người mẹ đông con như vậy, một tay chị vẫn gánh vác cả việc quân lẫn việc nhà. Cứ sau mỗi lần sinh con được vài ngày, chị lại cầm súng ra mặt trận chiến đấu. Chị khéo léo dạy dỗ đứa con cả biết chăm lo bảo vệ cho các em, đảm đương việc nhà giúp mẹ yên tâm chiến đấu. Trên chiến trường, chị là dũng tướng khiến quân thù phải khiếp sợ...
Đọc “Người mẹ cầm súng”, tôi thực sự thán phục nữ anh hùng Út Tịch. Phép màu nào đã giúp chị vừa đảm việc nước, lại giỏi việc nhà như vậy? Làm mẹ giữa thời chiến không hề dễ, chiến đấu với cái bụng bầu là việc nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con, huống chi là mẹ của một đàn con nhỏ sàn sàn tuổi nhau. Tôi tự hỏi: Chiến tranh ác liệt như vậy, chị nuôi con ra sao, chị có dành nhiều thời gian cho các con không, và nhất là lúc chị vắng nhà, các con chị lo liệu ra sao? Chị Út Tịch hiểu rõ tình cảnh mẹ con như vậy, nên chị khéo léo sắp xếp dạy dỗ con cái tự làm lấy những việc nhẹ: dặn con nấu cơm không được chắt nước sợ nó bị bỏng, nếu cần thiết thì sang nhà hàng xóm ăn cơm.. Con Bé, đứa con đầu của chị, học được từ mẹ nó rất nhiều, và sau này cũng nối bước mẹ trở thành người lính can trường, bản lĩnh, hoàn thành giấc mơ thống nhất đất nước của người mẹ quá cố...
Một tác phẩm ra đời vào thời chiến, viết về một người sinh ra, lớn lên trong thời chiến, và khép lại vẫn là cảnh chiến trận đó. Tưởng rằng xuyên suốt tác phẩm chỉ nhuốm màu bi thương, chết chóc nhưng không, giữa đau khổ chúng ta vẫn nhận thấy niềm tin, giữa chiến tranh họ vẫn mơ về hòa bình, họ cùng chiến đấu, cùng trưởng thành hơn, để người đọc hiểu rằng: giữa những khốc liệt của chiến tranh đầy đạn bom vẫn thấp thoáng những tia sáng của niềm hy vọng không thể dập tắt. Đây chính là nguồn động viên tinh thần con người rất lớn lao trong cả thời chiến cũng như trong thời bình.
Thầy cô hãy tìm đọc tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi, chúng ta sẽ cảm nhận được ý nghĩa câu nói đậm chất Nam Bộ: "Còn cái lai quần cũng đánh!" của Chị Út Tịch. Câu nói đó thể hiện một sự quyết tâm, kiên cường và bất khuất của của một người mẹ anh hùng, một người phụ nữ yêu nước cũng như của người dân Nam Bộ; chỉ có đánh mới có hòa bình, tự do cho con cháu và đồng bào mình. "Người mẹ cầm súng" ấy là một biểu tượng của phụ nữ Nam Bộ kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ, xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ đã trao tặng: "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang".
Cuốn sách này hiện có ở thư viện trường Trung học cơ sở Minh Tân của chúng ta đấy. Kính mời thầy cô tìm đọc./. SỐ ĐKCB : STN-03046-03049
Minh Tân, ngày 01 tháng 3 năm 2024
THƯ VIỆN NHÀ TRƯỜNG