Xin kính chào toàn thể các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Như chúng ta đã biết bệnh cận thị sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập của học sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của các em. Cô sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về bệnh cận thị này nhé!
I. Khái niệm về bệnh cận thị:
Cận thị là một tật khúc xạ làm cho mắt chỉ nhìn thấy vật ở gần trước mắt chứ không nhìn thấy vật ở xa, thường gặp ở học sinh và là một trong những bệnh xếp vào nhóm bệnh học đường.
* Cận thị trên phương diện lâm sàng được chia làm 2 loại:
- Cận thị đơn thuần: Hay còn gọi là tật cận thị, ở loại này chỉ có biểu hiện về tật khúc xạ nhưng cấu trúc nhãn cầu vẫn bình thường trên lâm sàng mức cận thị thường ≤ 6D
- Cận thị bệnh: Ở loại này ngoài biểu hiện của tật khúc xạ, nhãn cầu đã có những biến đổi về mặt cấu trúc. Trên lâm sàng mức độ cận thị thường > 6D
II. Tác hại của cận thị
- Hạn chế tầm nhìn:
+ Gây ảnh hưởng đến hậu quả học tập
+ Gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
+ Hạn chế trong lựa chọn nghề nghiệp.
- Gây biến chứng về mắt như: Bong võng mạc.
III. Nguyên nhân sinh bệnh:
- Di truyền
- Môi trường sống hạn chế tầm nhìn.
- Thói quen, lối sống.
+ Thói quen: Sử dụng mắt nhiều, thời gian nghỉ ngơi ít, tư thế xấu khi học ,đọc
+ Lối sống: Hoạt động thể chất ít tham gia các hoạt động thể thao vui chơi ngoài trời.
- Vệ sinh trường học.
+ Điều kiện học tập: Chiếu sáng, bàn ghế, sách vở, gánh nặng học tập
- Yếu tố khác.
+ Thể trạng: Những trẻ em gầy yếu, hay ốm đau, dễ bị cận thị hơn những trẻ khỏe mạnh, nhất là những trẻ em mất sức nhiều khi cúm, sởi, ho gà, lao… Cũng dễ bị cận thị nhiều hơn.
+ Dinh dưỡng: Trẻ suy dinh dưỡng cũng dễ bị cận thị.
IV. Phòng cận thị trường học:
- Đảm bảo đủ ánh sáng khi học ( tại phòng học và góc học tập ở nhà), tránh không cho ánh sáng chiếu vào mắt.
- Khi đọc phải giữ đúng khoảng cách từ mắt đến chữ là 35 – 40cm, ngồi học đúng tư thế người thẳng, đầu hơi cúi góc 10 – 15 độ.
- Sách, vở, truyện chữ viết trên bảng … cần đảm bảo chữ to và đậm nét để học sinh nhìn rõ chữ.
- Không nên: Học, đọc truyện, sử dụng máy vi tính và trò chơi điện tử quá lâu. Đảm bảo nghỉ ngơi vệ sinh thư giãn, đối với trẻ em 7 – 10 tuổi thời gian ngủ là 10 đến 11 giờ, trẻ từ 11 – 14 tuổi thời gian ngủ là 9 – 10 giờ, từ 15 – 17 tuổi thời gian ngủ là 8 – 9 giờ
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt các thức ăn có nhiều vitamin A
( hoa quả có mầu vàng, mầu đỏ, rau xanh thẫm, dầu gan cá …)
Buổi tuyên truyền truyền đến đây là hết rồi! Hẹn gặp lại các em lần sau.
Minh Tân, ngày 22 tháng 5 năm 2017
Cán bộ y tế
Phạm Thị Phương